Cẩm Nang Florence

NHỮNG THÀNH PHẦN TRONG KEM DƯỠNG ẨM NÊN VÀ KHÔNG NÊN SỬ DỤNG CHO DA MỤN

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có làn da khô mới nên sử dụng kem dưỡng ẩm nhưng đó thực sự là một quan niệm sai lầm. Tất cả mọi làn da đều cần sử dụng kem dưỡng ẩm với liều lượng khác nhau. Đặc biệt, kem dưỡng ẩm là một điều không thể thiếu trong quá trình chăm sóc làn da mụn. Tuy nhiên, không phải loại kem dưỡng ẩm nào cũng tốt và phù hợp với da mụn. Sau đây là những thành phần mà da mụn nên và không nên sử dụng trong quá trình điều trị.

Da mụn cũng cần được dưỡng ẩm

NHỮNG THÀNH PHẦN CÓ TRONG KEM DƯỠNG ẨM NÊN DÙNG CHO DA MỤN

Acid Salicylic

Salicylic acid là một loại BHA (Beta Hydroxyl Acid), một thành phần thường thấy trong các sản phẩm điều trị mụn, đồng thời giúp lỗ chân lông thông thoáng hơn. Chúng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, rất tốt trong điều trị mụn nhọt, mụn đầu trắng và mụn đầu đen.

Salicylic acid dễ hòa tan trong dầu nên rất phù hợp với với da dầu và da mụn. Khi sử dụng kem dưỡng ẩm có thành phần này, bạn sẽ dễ nhận thấy da mình giảm dầu, tình trạng mụn và thâm mụn cũng được cải thiện tốt hơn.

Glycerin và Hyaluronic Acid

Kem dưỡng ẩm cho da mụn nên chứa Glycerin và Hyaluronic Acid. Đây đều là những thành phần dưỡng ẩm tuyệt vời nhưng không gây mụn.

Glycerin tồn tại ở dạng chất lỏng, không mùi, là thành phần cấp ẩm thường thấy trong các sản phẩm chăm sóc da như sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và serum. Chúng có khả năng hút ẩm từ không khí hoặc lớp hạ bì đến lớp biểu bì giúp da ẩm mượt, căng mướt nhưng không gây bít tắc lỗ chân lông. Hyaluronic acid (HA) được xem là chất dưỡng ẩm tự nhiên, vừa tối ưu độ ẩm cho da vừa tạo thành một lớp màng bảo vệ da khỏi các tác hại từ bên ngoài. Khi hòa vào môi trường nước của da, phân tử Hyaluronic có thể tăng trọng lương lên gấp 1.000 lần. Chính vì vậy, chúng được xem như thành phần cấp nước và giữ ẩm tốt nhất cho da khô, da thiếu nước hoặc các trường hợp muốn giảm nếp nhăn, chống lão hóa.

Tuy nhiên, hai thành phần này chỉ phát huy tác dụng hiệu quả khi độ ẩm không khí cao hơn 70%. Thế nên, vào mùa đông hoặc thời tiết khô hanh, bạn nên dùng máy phun sương để tăng độ ẩm trong không khí.

Kẽm Oxit

Kẽm oxit có rất nhiều lợi ích như: Chống nắng phổ rộng, ngăn ngừa cháy nắng kể cả với những làn da nhạy cảm, bảo vệ da khỏi các bệnh ung thư, tăng quá trình lành vết thương và chống nhiễm trùng vết thương, điều trị mụn trứng cá bùng phát, giữ độ ẩm cho da khô, giảm tình trạng viêm da, điều trị các rối loạn sắc tố da, ngăn ngừa lão hóa da, cải thiện sự tổng hợp collagen và trẻ hóa mô liên kết.

Khi kẽm oxit có trong kem dưỡng ẩm thì khi sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF 30 trở lên sẽ tạo một lớp màng bảo vệ trên da, giúp da tránh khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời.

Niacinamide

Một trong những thành phần bạn nên tìm kiếm khi chọn kem dưỡng ẩm cho da mụn là Niacinamide. Niacinamide có rất nhiều công dụng rất tốt cho da, nhất là đối với da mụn.

Thành phần này giúp tăng cường miễn dịch bằng cách tạo ra một hàng rào bảo vệ bằng Keratin, giúp điều chỉnh lượng dầu nhờn trên da nhưng không làm mất đi độ ẩm cần thiết cho da.

Bên cạnh đó, Niacinamide hỗ trợ điều trị mụn đỏ và mụn mủ cực tốt, giúp bạn cải thiện kết cấu da. Chúng còn giúp thu nhỏ lỗ chân lông, bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, trị nám da, giảm đỏ mắt và bọng mắt, giảm nếp nhăn và chống oxy hóa.

Dầu tầm xuân

Dầu Tầm Xuân hay còn có tên gọi khác là Rosehip oil được chiết xuất từ hạt của nụ tầm xuân. Sau khi hoa của cây tầm xuân đã nở và rụng xuống hết sẽ cho ra nụ Tầm Xuân. Trong thành phần chứa đầy đủ các loại vitamin, chất chống oxy hóa và các axit béo thiết yếu.Công dụng của dầu tầm xuân chủ yếu dùng trong việc điều trị đốm đen, da khô, da ngứa. Cùng với đó là giảm sự hình thành của sẹo và nếp nhăn.

Theo nghiên cứu, do cấu trúc hóa học của Dầu nụ Tầm Xuân nên nó rất giàu các axit béo thiết yếu đến sự tái tạo lại các tế bào như là oleic, palmitic, linoleic, gamma linoleic axit. Vì vậy nó giúp da giữ được độ ẩm tự nhiên cho da. Đây cũng là thành phần rất an toàn và lành tính đối với da mụn, da nhạy cảm. 

NHỮNG THÀNH PHẦN CÓ TRONG KEM DƯỠNG ẨM KHÔNG NÊN DÙNG CHO DA MỤN

Petrolatum và các loại oil

Dầu khoáng (Mineral Oil) hay các thành phần thuộc gốc dầu hỏa (Petrolatum) giúp tạo lớp màng che phủ trên bề mặt da, ngăn chặn sự mất nước và độ ẩm từ bên trong da ra môi trường bên ngoài. Nhưng chính lớp màng này cũng giữ luôn tất cả vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn dư thừa… ở lại lỗ chân lông mà không thoát ra được. Nên mặc dù đây là thành phần hay được gắn mác “non-comedogenic” thì nó vẫn làm da dễ nổi mụn như thường!

Tên thường gặp: Mineral Oil, Petrolatum, Petrolatum Jelly.

Thành phần thay thế: dầu Jojoba hoặc Vitamin E, giúp cấp ẩm nhẹ nhàng, thích hợp cho làn da dầu hoặc dễ bị mụn.

Natri Lauryl Sulfate 

Đây là chất hoạt động bề mặt giúp tạo bọt rất phổ biến, thường có trong các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, dầu gội đầu, kem đánh răng… Thành phần này được xác định là chất gây kích ứng da vì nó lấy đi hết lượng dầu tự nhiên trên da, khi đó hàng rào bảo vệ da bị đe dọa và theo cơ chế tự nhiên, da sẽ tiết ra nhiều dầu hơn để cân bằng lại. Lỗ chân lông dễ dàng bị tắc nghẽn, từ đó sản sinh ra mụn. Ngoài ra, chất này còn để lại một lớp màng trên da ngay cả khi bạn đang cảm thấy da “sạch bong kin kít”. Lớp màng này sẽ tiếp tục bít các lỗ chân lông đã bị quá tải bởi lượng  dầu như ở trên đã nói đến, dẫn đến hậu quả là mụn đầu đen, mụn trứng cá.

Giải pháp: Lựa chọn những sản phẩm không chứa Natri Lauryl Sulfate,  thay vào đó là các chất hoạt động bề mặt nhẹ nhàng hơn như Ammonium Laureth Sulphate (ALS), Sodium Alkyl Sulphate (SAS), Glycerin Glucoside hay Lauryl Glucoside.

Isopropyl Myristate

Thành phần này được đưa vào trong rất nhiều sản phẩm để tạo cảm giác mượt mà, mịn khi thoa lên da. Cảm giác thật tuyệt vời khi bạn sử dụng một sản phẩm nào đó lướt hoàn hảo trên da, không bị vón hay lợn cợn. Nhưng trên thực tế Isopropyl Myristate tại bám dính sâu vào da và bít lỗ chân lông, dẫn đến việc nổi mụn nghiêm trọng.

Một số hợp chất  phổ biến có công thức tương tự như: Butyl Stearate, Octyl Stearate, Isocetyl Stearate, Isopropyl Palmitate And Isostearate.

Da mụn nên tránh dùng kem dưỡng ẩm có Isopropyl myristate

Dầu dừa

Việc dưỡng ẩm cho da mụn bằng dầu dừa có thể gây ra một số tác hại như: bít tắc lỗ chân lông, làm nổi thêm mụn trứng cá, tắc nghẽn nang lông, tăng nguy cơ viêm nang lông và có thể gây dị ứng cho làn da mụn nhạy cảm. 

Hương liệu

Hương liệu và màu nhân tạo là những thành phần có tỉ lệ gây kích ứng da cực kì cao cùng với việc làm tăng mức độ nhạy cảm của da, từ đó dễ dẫn đến mụn. Có rất nhiều loại màu nhuộm gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông như FD&C Đỏ 6 hoặc D&C xanh 6. Và chưa hết đâu, đó là họ còn chưa tiết lộ những gì họ dùng để làm nên hương thơm hay màu sắc đó. Chúng có thể chứa đến hơn 200 loại hóa chất khác nhau và thường được làm từ chế phẩm dầu mỏ hay Phthalates.